Tuyên truyền về tác hại của Ma Tuý trong Sinh viên

06/01/2020 17:55:46 | Người đăng tin: admin
Trường Đại học Kiên Giang kết hợp với phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tỉnh Kiên Giang đã tổ chức tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy trong học đường, trên 90% Sinh viên của nhà trường đã đến dự nghe.

     Thượng tá Huỳnh Tấn Tước Phó Trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy
     Thượng tá Huỳnh Tấn Tước, Phó Trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Kiên Giang đã trình bày một số vấn đề có liên quan đến ma túy như: Tình hình mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy trong cả nước nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng; một số vụ trọng án về ma túy; các loại ma túy phổ biến hiện nay; đặc điểm, hình dạng và cách nhận biết các chất ma túy; người nghiện ma túy; tác hại của ma túy; Bộ Luật hình sự, phần điều chỉnh về tội phạm ma túy; nguyên nhân dẫn đến tệ nạn ma túy; một số biện pháp phòng ngừa ma túy trong gia đình và nhà trường.
     Thượng tá đã thông tin đến các em học sinh những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất về các loại ma tuý phổ biến hiện nay và tác hại của các tệ nạn liên quan đến ma túy; các biện pháp phòng chống ma tuý trong trường học; những hiểu biết về tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của sinh viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy…

    Qua công tác tuyên truyền với nhiều thông tin bổ ích, đã giúp sinh viên nâng cao nhận thức, hiểu biết, góp phần đấu tranh, ngăn ngừa có hiệu quả các tệ nạn ma túy ở nhà trường và địa phương.
Sinh viên Trường Đại học Kiên Giang nghe tuyên truyền tác hại về ma tuý

  • Một số loại ma tuý thường gặp

1. Thuốc phiện (Anh túc)
     Cây thuốc phiện (cây Anh túc) là loại cây thân cỏ, thân thẳng đứng, cao từ 1 - 1,5m, mọc ở nơi khí hậu mát, thích hợp với đất sét vôi. Nó có từ 8 - 12 nhánh phụ, mỗi nhánh có 1 bông hoa nhiều màu sắc, từ hoa sinh ra quả. Nhựa từ quả gọi là thuốc phiện sống.
    Nhựa thuốn phiện thường dùng để hút. Lúc đầu hút vào thấy có sự khoái lạc, tạo cảm giác hưng phấn, làm giảm đau nhức, mệt mỏi. Nhưng càng hút thì càng ngày càng phải tăng liều mới đạt được cảm giác như lần trước. Dần dần người hút bị suy sụp, mất hết nghị lực, ý chí và cả cảm giác không còn. Hơn thế, ở người sử dụng ma tuý hút thuốc phiện còn xuất hiện các biến chứng như: viêm dạ dày, viêm ruột mãn tính, táo bón dai dẳng, phát ban ngoài da, tiểu tiện ra abumin, thường hay bị sưng phổi, mạch đập chậm và không đều. Nguy hiểm hơn là khi không có thuốc, người sử dụng ma tuý phải nạo xái trong ống thuốc ra để hút, hút xái độc hơn vì nó có khoảng 80 - 90% chất morphin.
2. Mooc phin (Morphin)
      Là chất được dùng làm chất giảm đau và nguyên liệu bán tổng hợp để sản xuất thuốc trị ho, giảm đau, ỉa chảy... trong y học. Morphin có tác dụng chọn lọc và trực tiếp tới tế bào thần kinh trung ương, nhất là vỏ não làm cho thần kinh trung ương bị ức chế (như trung tâm đau, trung tâm hô hấp, trung tâm gây ho) và mốt số trung tâm bị kích thích gây nôn, co đồng tử, chậm nhịp tim...
     Với liều điều trị Morphin làm tăng trí tưởng tượng, mất buồn rầu, mất sợ hãi, tạo trạng thái lạc quan, nhìn màu sắc thấy đẹp, nghe tiếng động thấy dễ chịu, mất cảm giác đói. Liều cao Morphin làm hạ huyết áp, làm giảm dịch tiết, lại ra mồ hôi nhiều.
     Phụ nữ có thai dùng Morphin rất nguy hiểm, gây tác hại lâu dài đến sự trưởng thành của trẻ như đẻ non, suy dinh dưỡng, rối loạn hành vi, nôn, mất ngủ, đi lỏng... Morphin rất nguy hiểm với trẻ em dưới 5 tuổi. Nó có thể dẫn đến trẻ bị gù, vẹo, thương tổn đầu sọ, hen phế quản, bệnh và thận mãn tính...
     Người sử dụng Morphin có mắt bị phù, móng tay và môi thâm tím; bị rối loạn tâm lý, nói không thật, lười biếng, ít chú ý đến vệ sinh thân thể, thường hay ngáp vặt, co đồng tử, thiếu máu, chán ăn nên sút cân, mất ngủ, già trước tuổi, nôn, vã mồ hôi, chảy nước mắt, đau thắt ngực, trầm cảm, thần kinh bị kích thích. Sau khi tiêm vào cơ thể khoảng 24 giờ thì 85 - 90% lượng Morphin được thải ra từ cơ thể theo nước tiểu.
3. Heroin
     Thường được chế biến thành 02 loại: Loại bột trắng hồng, xốp như bông gọi là " Heroin 4" (còn gọi là bạch phiến) dùng để chích vào tĩnh mạch. Loại bột màu nâu hồng gọi là " Heroin 3" dùng để hút, hít.
    Dùng Heroin lần đầu sẽ có cảm giác mơ màng, khoan khoái, quên mọi khổ đau, sầu não, bi thương... Nhưng khi cơn nghiện đến mà không có Heroin người sẽ bị đau co thắt. Nếu dùng quá liều Heroin thì người sẽ bị tê liệt thần kinh, hôn mê và có thể chết sau vài phút. Nghiện Heroin làm cho con người thay đổi về tính cách, trở nên cô độc, thù ghét đồng loại, mất khả năng sinh dục; dễ gây ra các hành vi vi phạm pháp luật.
4. Cần sa
     Còn gọi là cây Gai dầu, cây Gai mèo, cây Đai ma, Bồ đà... Trong y hoc, Cần sa còn có tác dụng chữa bệnh mất ngủ. Người ta sau khi hút cần sa thường có những thay đổi tâm lý đột ngột như: cười to lên hoặc khóc than vãn, hoặc có nhiều hành vi vô nghĩa khác. Cần sa còn làm cho con người ta có những ảo giác khác thường và cả những cơn ác mộng. Sau những ảo giác, ác mộng đó là sự mệt mỏi, buồn ngủ nhưng giấc ngủ chập chờn và cũng đầy ác mộng. Do vậy nếu sử dụng lâu, người sẽ trở nên gầy gò ốm yếu, ủ dột, có thể loạn thần kinh...
5. Ma tuý tổng hợp 
     Là chất ma tuý được điều chế bằng phương pháp tổng hợp hoá học toàn phần từ các hoá chất (được gọi là tiền chất). Điển hình là amphetamine. Nhìn chung, các chất ma tuý tổng hợp có tác dụng kích thích mạnh và nhanh hơn các chất ma tuý tự nhiên và bán tổng hợp. Chúng có tác dụng kích thích nhất thời hệ thống thần kinh trung ương gây hưng phấn và ảo giác hoang tưởng. Do vậy chúng còn gọi là "các chất loạn thần", "ma tuý điên", " ma tuý bạo lực". Hiện nay các chất ma tuý này được coi là những chất ma tuý nguy hiểm nhất.
     Những năm gần đây nước ta đã xuất hiện các chất ma tuý tổng hợp rất nguy hiểm, đặc biệt là các chất ma tuý kích thích dạng amphetamine (viết tắt là ATS-amphetamine-type- stimulans) có xu hướng gia tăng rất mạnh. Các chất ma tuý thuộc nhóm ATS như amphetamine, methamphetamine, MDMA (3, 4 methylenedioxymethaphetamine, còn gọi là Ecstasy) đều có thể được hấp thụ qua đường tiêu hoá, sau 24 giờ thì khoảng 70 - 90% được bài tiết qua nước tiểu và được bài tiết gần hết sau 2 - 3 ngày.
     Nếu dùng ATS thời gian dài sẽ gây nghiện. Người sử dụng ATS thường thiếu ngủ, chán ăn, đánh trống ngực, chóng mặt và các dấu hiệu cường giao cảm như: tăng huyết áp, tăng thân nhiệt và rối loạn tâm thần, rối loạn nội tiết, rối loạn tâm sinh lý và nhiều chức năng khác của cơ thể. Dùng ATS liều cao có thể sử dụng bằng nhiều hình thức như tiêm chích, hút, hít... Nhưng hiện nay, hình thức sử dụng ATS phổ biến nhất là dạng thuốc viên (như viên nhộng, viên nén) có kích thước, màu sắc, kí hiệu khác nhau./.

Phòng Công tác sinh viên